Trước thiết kế khá đặc biệt của bảo tàng, nhiều du khách không khỏi tò mò khi được cung cấp vài thông tin ngắn ngủi về “cha đẻ” của nó: kiến trúc sư Fritz Eller đến từ Dusseldorf.
Càng ngạc nhiên hơn khi biết công trình có diện tích bề mặt sử dụng hơn 6.000 m2 này lại có thời gian xây dựng cực ngắn - chỉ mất 13 tháng (khởi công từ tháng 10-1992).
Trẻ em say sưa tìm hiểu về món ăn khoái khẩu chocolate
Trên trang web www.schokoladenmuseum.de, kiến trúc sư Eller bộc bạch ý tưởng của mình: “Bảo tàng được làm bằng kính trong nhằm thể hiện sự mở rộng không giới hạn, cũng tựa như chocolate có thể biến đổi thành vô số hình dạng và được chuyên chở bằng rất nhiều cách chứ không chỉ bó hẹp trong hình dáng những thanh nhỏ màu nâu đậm như mọi người thường hình dung. Bảo tàng không chỉ là nơi để trưng bày đơn thuần mà còn là không gian mở để mọi người giao lưu, thế nên hình dáng con tàu hàm ý nơi đây sẽ chuyên chở tất cả những câu chuyện về lịch sử - văn hóa liên quan tới chocolate cũng như toàn bộ quá trình liên hệ giữa con người với thứ thực phẩm đặc biệt này”.
Không chỉ choáng ngợp từ bên ngoài, bước vào bên trong, du khách còn hào hứng hơn khi được tham gia chuyến du hành qua 'cuộc đời' 3.000 năm của chocolate.
Khởi đầu từ “một món ăn của thần thánh” trong văn hóa của người Aztec ở Trung Mỹ, chocolate trở thành đặc sản chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc Châu Âu thời Trung cổ và đến nay, nó có mặt trong đời sống hàng ngày với tư cách là thứ thực phẩm hấp dẫn được sản xuất đại trà.
Cách bài trí của bảo tàng luôn tạo sự tương tác với khách tham quan. Bắt đầu là khu vực trưng bày tranh ảnh, tư liệu cùng những trò chơi ghép hình về lịch sử cây cacao, cách gieo trồng, các loại cacao dùng làm nguyên liệu chế ra chocolate…
Phòng trưng bày đồ lưu niệm liên quan tới chocolate
Một số sản phẩm từ chocolate được làm trong bảo tàng
Nhân viên đang làm chocolate
Mô hình máy bán chocolate tự động đầu thế kỷ 20
Điểm nhấn ở khu vực này chính là khu vườn nhiệt đới nhỏ để du khách tận tay chạm vào những cây cacao đang lớn lên từng ngày giữa khung kính. Kế đến du khách được dẫn lên tầng trên để chiêm ngưỡng khu vực trưng bày những máy móc được phát minh trong quá trình sản xuất chocolate và giai đoạn ngành này chuyển mình thành ngành công nghiệp đồ sộ như hiện nay.
Trước đây, đa số chocolate được thưởng thức ở dạng lỏng vì không có cách nào làm cho nó có bề mặt bóng mịn. Nhờ những chiếc máy mài và đúc chocolate - đặc biệt là chiếc máy đúc do Rodolphe Lindt phát minh vào năm 1879, người ta bắt đầu sản xuất đại trà những thanh chocolate với bề mặt trơn mịn cùng vô số hình dạng khác nhau.
Thậm chí du khách còn được “tận mục sở thị” cả nhà máy sản xuất chocolate mini ngay trong bảo tàng và tha hồ tìm hiểu từng công đoạn. Do để trưng bày là chính nên mỗi ngày nhà máy tí hon này chỉ cho ra lò được khoảng 400kg chocolate. Thế nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm du khách mê tơi, nhất là khi đứng gần chiếc tháp có những dòng chocolate nóng rỉ rả tuôn ra theo vòi phun hay nếm thử những que bánh quế được nhúng xuống “dòng sông” chocolate ấy.
Tháp với vòi phun là những dòng chocolate nóng
Khách tham quan “nhí” nếm thử chocolate miễn phí
Ít người biết rằng chiếc tháp bằng chocolate cao khoảng 3m này chính là giấc mơ thời thơ ấu của tiến sĩ Hans Imhoff – người sáng lập ra bảo tàng. Người ta kể hồi nhỏ mỗi lần cậu bé Imhoff ghé miệng hút nước từ vòi phun nước Cologne ở gần ngân hàng Kreissparkasse thì cậu lại mơ rằng những chiếc vòi ấy phun ra toàn chocolate. Vậy là cuối cùng ngài Imhoff cũng đã biến được giấc mơ thành hiện thực với bảo tàng cocholate ngọt ngào này.
Song Anh
Giấc mơ thành hiện thực! |